Đây là trường hợp có hiện tượng chảy máu ở một bộ phận bên trong cơ thể mà mắt không nhìn thấy trực tiếp. Rất khó xác định được lượng máu bị chảy trong các trường hợp xuất huyết nội. Khi bị xuất huyết nhiều, các triệu chứng sẽ xuất hiện rất nhanh.
Ngược lại, nếu hiện tượng xuất huyết tiến triển từ từ thì người bệnh có thể chỉ hay biết sau nhiều ngày. Nếu lượng máu bị xuất huyết quá nhỏ thì bệnh nhân có thể không cảm thấy điều gì khác lạ và chỉ biết mình bị xuất huyết nội qua việc xét nghiệm phân hoặc nước tiểu.
Sau khi bị chấn thương nặng, hiện tượng xuất huyết nội có thể xảy ra ở màng phổi, trong phổi hoặc ở trung thất giữa 2 lá phổi. Ngoài ra, còn có thể xảy ra ở trong bụng như các trường hợp bị vỡ gan, lách, thận, ruột và bàng quang. Máu bị xuất huyết tích tụ trong ổ bụng, ở phúc mạc, sau phúc mạc (màng bụng) hoặc trong các cơ bắp.
Nhiều bệnh về tiêu hóa, về phụ khoa cùng một số bệnh thông thường đều có thể là nguyên nhân của hiện tượng xuất huyết nội.
Lạm dụng hoặc dùng quá liều các loại thuốc như Aspirine, thuốc chống đông máu (Coudamine, Pindione, Préviscan, Sintrom) có thể bị xuất huyết nội. Một số người không thích ứng với các loại thuốc này, dù dùng đúng liều cũng vẫn bị.
Sau đây là một số trường hợp có thể gây xuất huyết nội:
- Chấn thương vùng ngực: gây vết thương ở màng phổi, ở phổi, làm thủng đại động mạch phổi.
- Chấn thương vùng bụng làm giập lá lách, gan, ruột hoặc bàng quang, làm thủng động mạch chủ ở bụng, làm đứt tĩnh mạch ổ bụng dưới.
- Loét dạ dày - tá tràng hoặc đã bị ung thư dạ dày - tá tràng đang phát triển, vỡ tĩnh mạch thực quản, viêm tụy tạng (lá lách), viêm ruột hồi, viêm ruột già, có khối u ở đường tiêu hóa (có thể xuất huyết đằng miệng hoặc hậu môn).
- Chửa ngoài dạ con, có u xơ, vỡ kén ở buồng trứng, viêm màng trong tử cung.
- Một số bệnh thông thường: viêm gan cấp, bệnh về máu, rách màng nhầy cùng các vi ti huyết quản, sốt phát ban xuất huyết, dị ứng thuốc chống đông máu.
. Triệu chứng
Người bị xuất huyết nội nhẹ không liên tục có thể không tự cảm thấy điều gì khác thường. Các trường hợp xuất huyết ở dạ dày, tá tràng hoặc ruột non thường thấy phân đen.
Nếu thời gian xuất huyết kéo dài nhiều ngày thì dù xuất huyết nhẹ, người bệnh cũng sẽ thấy mệt, khó thở vì bị thiếu máu.
Bị xuất huyết nặng sẽ ảnh hưởng nhanh tới các tế bào da và cơ bắp khiến người bệnh có những triệu chứng như: da tái, đổ mồ hôi lạnh, khát nước liên tục, chóng mặt có thể dẫn tới ngất xỉu. Do mất máu nên cơ thể có phản ứng dồn hết nước ở mọi điểm vào các mạch làm cho người bệnh cảm thấy khát.
. Cần phải làm gì?
Khi xảy ra tai nạn trầm trọng, nạn nhân bị chấn thương nặng phải đưa đi cấp cứu ngay. Tụy là bộ phận rất dễ bị tổn thương dù chỉ bị va chạm không mạnh lắm.
Bị chấn thương ở ruột là trường hợp nặng cần phải cấp cứu. Phụ nữ bị xuất huyết ở âm đạo, máu màu đen kèm theo các hiện tượng đau bụng, chậm thấy kinh, chóng mặt có thể là triệu chứng chửa ngoài dạ con và vỡ phôi, cần đưa ngay tới bệnh viện.
Trong khi chờ đợi được cấp cứu, để nạn nhân nằm đầu thấp. Không được cho uống nước, nếu cần chỉ nhấp môi.
. Chẩn đoán và điều trị
Tất cả các bệnh nhân bị xuất huyết nội đều cần phải tới bệnh viện để được cấp cứu. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân của hiện tượng xuất huyết và cho tiếp máu, nếu cần. Lượng máu được truyền tùy thuộc vào lượng máu đã xuất và nguyên nhân sự xuất huyết.
Trường hợp sự xuất huyết xảy ra âm ỉ, từ từ, đòi hỏi phải tiến hành một số xét nghiệm đặc biệt như: tìm tỷ lệ hồng cầu trong máu, xét khả năng đông máu, xét nghiệm tế bào, nội soi đường tiêu hóa (qua miệng hoặc hậu môn), siêu âm, thử nước tiểu, chụp scanner.
Phối hợp với việc điều trị bệnh, bệnh nhân thường được uống thêm các loại thuốc có chất sắt.
Bác sĩ Ngô Văn Quỹ- Trần Văn Thụ
0 nhận xét