Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

ĐAU THẮT VÙNG XƯƠNG ỨC

Đây là hiện tượng đau ở giữa ngực. Cảm giác đau ở trong ngực có thể xuất hiện khi người bệnh cố gắng làm việc gì, cũng có khi đau ngay trong khi nghỉ ngơi.


Cảm giác đau biểu hiện tình trạng cơ tim bị thiếu máu và oxy. Nguyên nhân do có một hoặc nhiều động mạch vành có chức năng nuôi dưỡng tim bị hẹp lại vì co thắt hoặc vì có một đám xơ vữa ngày càng phát triển làm hạn chế lưu lượng máu trong mạch.

. Triệu chứng

Cảm giác “hơi đau” hay “rất đau” thường được người bệnh mô tả như bị “thắt ngực lại” và đau ngay ở giữa ngực chứ không phải ở bên trái. Đôi khi cái đau lan tới cổ, hàm và hai tay, thường được ví như một thanh sắt đè lên ngực hoặc một gọng kìm kẹp vào ngực. Tuy vậy, đôi khi người bệnh lại chỉ cảm thấy hơi đau, hơi khó chịu ở ngực, thấy ngực hơi bị tức và khó thở.
Cơn đau thường xuất hiện sau khi người bệnh cố gắng đi nhanh, hoặc lên cầu thang. Ngoài ra, một cơn gió, luồng không khí lạnh, làm việc vội vàng, một bữa ăn quá no, sự xúc động kể cả sự cố gắng trong hoạt động tình dục… đều có thể là những nguyên nhân tạo ra cơn đau, đau đến mức bệnh nhân phải ngưng hoặc giảm ngay cường độ hoạt động của mình. Tuy vậy, chỉ cần nghỉ ít phút là hết đau. Cơn đau cũng có thể xuất hiện khi người bệnh không hề làm việc gì quá sức, như đặt mình nằm trên giường khi chăn gối còn hơi lạnh của không khí mùa đông. Vậy mà cũng bị đau ngực và đau lâu, đấy là trường hợp của những người đã yếu, dễ nhiễm bệnh.

. Cần phải làm gì?

Khi phải cố sức làm việc gì, lưu lượng máu trong các động mạch vành của tim phải tăng lên gấp 2, 3 lần để cung cấp đủ lượng oxy cho tim. Nếu các động mạch này bị co thắt hoặc có điểm dị dạng khiến sự lưu thông của máu bị cản trở, cơ tim không nhận được đủ lượng máu cần thiết sẽ biểu hiện bằng các tín hiệu đau. Những điểm dị dạng ở mạch đều có thể phát hiện trên bảng điện tâm đồ. Nếu cơn đau đã được bác sĩ dự kiến từ trước để chỉ định thuốc phòng thì người bệnh có thể uống một viên Trinitrine và sẽ thấy hết đau chỉ trong vòng 1 phút. Nếu cơn đau xảy ra lần đầu, cần tới ngay bác sĩ. Nếu cơn đau xảy ra luôn luôn, bất kể lúc nào, vào lúc người bệnh không làm việc gì cố sức, ngay trong lúc nghỉ ngơi và uống Trinitrine cũng không hết đau, thì cần phải tới bác sĩ ngay vì căn bệnh đã có triệu chứng nặng hơn.

. Chẩn đoán và điều trị Trường hợp ĐAU NGỰC KHI CỐ SỨC

Bác sĩ sẽ khám tổng hợp về tim - mạch để xác định nguyên nhân cơn đau, cường độ đau và phát hiện các điểm dị dạng mạch (nếu có) trên bảng điện tâm đồ. Yêu cầu bệnh nhân đạp xe tại chỗ hoặc đi trên thảm di động (dụng cụ tập thể thao trong nhà) rồi lập bảng điện tâm đồ để nhận xét. Nếu bệnh nhân bị đau và bảng điện tâm đồ ghi nhận có sự dị dạng mạch, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số biện pháp chuyên môn như sau: phẫu thuật nong rộng mạch bị hẹp hoặc phẫu thuật nối mạch bắc cầu (lấy một đoạn tĩnh mạch ở chân nối qua đoạn mạch bị tắc).

Trường hợp ĐAU NGỰC NGAY CẢ LÚC NGHỈ NGƠI

Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân phải nhập viện để được thường xuyên săn sóc và dùng các loại thuốc chống đông máu, thuốc làm nở mạch, để đề phòng chứng nhồi máu cơ tim. Chiếu X-quang để phát hiện những đoạn mạch bị tổn thương và đề nghị dùng biện pháp nong rộng mạch bị hẹp hoặc phẫu thuật nối mạch bắc cầu. Nguyên nhân có thể do: bị xơ vữa động mạch. Một điểm mạch bị nứt, có những phần xơ nhỏ tách khỏi mạch, trở thành nhân của các cục huyết đông, rồi to dần lên gây tắc mạch. Mục đích của việc điều trị là làm sao cho các mạch được thông thoáng (chống đông máu, làm nở mạch bằng các dẫn xuất có ni-tơ, dùng thuốc ức chế hàm lượng can-xi); loại bỏ các điều kiện dễ sinh ra chứng xơ vữa động mạch như: bỏ hút thuốc lá, dùng thuốc và ăn theo chế độ để giảm cân, tránh dư thừa cholestérol và chất béo trong máu; chữa trị ngay bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp (dù nhẹ); lao động vừa sức, dành thời gian để thư giãn, chống stress; dùng thuốc Aspirine để tránh đông máu theo sự chỉ định của bác sĩ. Nói chung, sự xuất hiện của cơn đau thắt ngực, hoặc trong khi cố gắng sức, hoặc khi nghỉ ngơi là dấu hiệu hết sức quan trọng của các bệnh động mạch vành mà biến chứng cực kỳ nguy hiểm là bệnh nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tử vong (ở Pháp mỗi năm tử vong 200.000, ở Mỹ mỗi năm 500.000 người vì bệnh này). Vì vậy, khi thấy xuất hiện triệu chứng trên cần phải đi khám bệnh ngay tại một chuyên khoa tim mạch. Những người trên 40 tuổi, đã có lần có vấn đề về tim mạch, phải chăm đi xét nghiệm máu định kỳ để biết rõ số cholestérol của mình, báo cho bác sĩ để được thường xuyên theo dõi về tim mạch. 
Bác sĩ Ngô Văn Quỹ- Trần Văn Thụ
 
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
Posts RSSComments RSSBack to top
Copyright © 2013 by Thông tin y dược ∙ Templated by biquyetlamdephot.
Tin tức làm đẹp cập nhật liên tục 24h từ các báo mạng uy tín Việt Nam.