Ngày hè, vào Khoa bỏng trẻ em, Viện Bỏng Trung ương, nhìn những em bé nhỏ xíu phải băng bó toàn thân, khóc thét từng hồi vì đau đớn... mà thấy xót xa. Trên giường bệnh, các em chống chọi với tử thần và sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Mẹ bé Ngọc ở Bắc Ninh kể, cháu kiễng chân, tự bật bếp ga để hấp bánh. Ai ngờ, trong tích tắc, lửa bếp bén vào quần áo, dẫn đến bỏng độ bốn như thế này. Bé Ngọcbị bỏng nửa người bên phải, dù đã qua hai lần phẫu thuật, nhưng vẫn còn đau rát khắp người.
Số trẻ bị bỏng nhập viện đã tăng gần gấp đôi tại Viện Bỏng quốc gia trong tháng 6 này dường như là lời cảnh báo các gia đình trong dịp hè này. Điều đáng lưu ý, hình thức gây bỏng ngày càng đa dạng và thường gặp nhiều ở trẻ từ 1-3 tuổi. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Khoa bỏng trẻ em thì thường gặp nhất vẫn là bỏng nhiệt ướt (chiếm 80-90%), loại bỏng do nước nóng, thức ăn nóng, nước tắm quá nóng, do lửa từ bếp ga, bếp củi. Ngoài ra, còn nhiều ca bỏng điện do trẻ thả diều, chơi dưới dòng điện cao thế... Nguyên nhân chủ yếu là sự hiếu động cũng như tò mò của tuổi thơ, nhất là thường ở nhà một mình hoặc được bố mẹ cho về quê trong dịp hè. Vì thế mà, cứ dịp hè, đội ngũ bác sĩ, y bác sĩ Viện Bỏng quốc gia lại vào mùa tăng cường 'trực chiến' cấp cứu, bởi tính ra mỗi ngày có hàng chục trẻ nhập viện. Tai nạn bỏng đe dọa đến tính mạng trẻ do mất nước, mất điện giải, sốc bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn máu, suy giảm miễn dịch... Tai nạn do bỏng đối với trẻ nhỏ, dù bỏng ở mức độ nào cũng rất phức tạp vì ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ. Di chứng để lại thường rất nặng nề, như mù mắt, cắt cụt chân, tay; rối loạn nhiễm sắc tố da, lên sẹo gây mất thẩm mỹ; dính, co cơ, gây biến dạng khớp, cột sống...
Ngộ độc do ong đốt là một trong những loại ngộ độc thường gặp nhất trong cấp cứu. Trẻ em là đối tượng dễ bị ong đốt nhất, vì kích động ong bằng cách trêu hoặc ném tổ ong. Những cái chết thương tâm do bị ong độc đốt ở các địa phương hầu như năm nào cũng xảy ra. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị ong đốt trong ngày hè. Bệnh nhân bị ong đốt thường sẽ đau nhói sau vài phút, rồi chuyển thành đau rát bỏng, sưng nề, nóng đỏ da, quá mức có thể gây phù toàn bộ chi... Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, trong tất cả các loài ong, nguy hiểm nhất là ong vò vẽ. Hơn nữa, đây lại là một trong những loài ong thường tấn công con người nhất. Có những trường hợp được chuyển đến bệnh viện bị ong đốt rất nhiều nốt, có người lên tới hàng trăm nốt. Trong khi, nếu bị ong độc đốt trên 20 nốt sẽ gây suy thận cấp, đặc biệt với trẻ nhỏ sẽ gây tụt huyết áp, ngừng tim và suy hô hấp, từ đó dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Sơ cứu đúng cách để giảm thương tích
Mùa hè là mùa học sinh nghỉ học, được vui chơi nhưng đi kèm với sự thoải mái của con trẻ là nỗi lo của cha mẹ về sự an toàn cho con khi vui chơi. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số những tai nạn trong thời điểm mùa hè, đáng kể vẫn là các trường hợp cấp cứu do đuối nước xảy ra với trẻ chủ yếu là do không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn khi chúng chơi, ngã vào bể nước hay bơi lội trong ao, hồ... Chỉ với hai phút sau khi bị ngã xuống nước, trẻ đã có thể bị ngạt thở, chết đuối.
Phần lớn trẻ bị ngạt nước nhập viện cấp cứu mà trước đó không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách, dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu ô-xy. Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều người sơ cứu cho trẻ bị ngạt nước đã dốc ngược nạn nhân cho nước chảy ra ngoài. Trong khi đó, việc này không cần thiết vì thường lượng nước vào phổi rất ít và sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Các bác sĩ khuyến cáo, cách sơ cứu trẻ bị ngạt nước là đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí và kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Cần hô hấp nhân tạo nếu lồng ngực không di động (tức là nạn nhân ngưng thở), sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn. Còn nếu trẻ còn tự thở, nên đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên mới làm cho chất nôn dễ thoát ra ngoài...
Đối với tai nạn bỏng, GS.TS Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh có con nhỏ cần chú ý trông trẻ, không để các vật dụng dễ gây bỏng như nồi cơm, canh nóng, nước sôi... gần chỗ trẻ. Tránh vui chơi sát ổ điện thấp, vừa tầm với hay thả diều, câu cá, bắt chim dưới đường dây điện. Khi trẻ bị bỏng, không mất thời gian tìm kiếm những thứ như mẻ, mỡ chó, kem đánh răng, nước mắm, dầu hỏa, xăng, mỡ trăn... bôi lên vết bỏng. Những thứ này không những gây nhiễm khuẩn mà còn gây khó khăn cho việc điều trị. Trước khi chuyển đến bệnh viện, gia đình trẻ cần sơ cứu để giảm tối đa thương tích cho trẻ. Các bước tiến hành sơ cứu được Viện Bỏng Trung ương đưa ra, đó là: Trước tiên phải bình tĩnh loại trừ tác nhân gây bỏng, bảo đảm an toàn cho người tham gia cấp cứu. Ngâm rửa trong nước sạch (không nên dùng nước đá) càng sớm càng tốt, làm giảm sự đau đớn, phù nề tiết dịch từ vết thương. Cởi bỏ quần áo ở vùng bỏng, không để gây ra những vết xước. Che phủ tạm thời và băng nhẹ bằng vải sạch, bù nước điện giải. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo một số cách để tránh bị ong đốt. Đó là: đi vào rừng tránh mặc quần áo sáng mầu, sặc sỡ; không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,... có mùi thơm ngọt; lỡ bị ong tấn công hãy bình tĩnh, che vùng đầu, bốc đất cát vung lên cao để xua ong đi (không dùng cành cây, quần áo xua vì ong càng bu lại); khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa). Trong trường hợp bị ong đốt, kinh nghiệm của các chuyên gia cho thấy, hầu hết trẻ bị ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Vì vậy, khi đó, nên dùng nhíp lấy vòi chích ra, nhưng tuyệt đối không được dùng tay nặn vì dễ tạo điều kiện cho nọc độc lan tỏa và thấm sâu vào cơ thể. Sau đó, rửa sạch vùng bị chích bằng xà phòng và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau. Tiếp theo là cho người bệnh uống thuốc giảm đau và uống nhiều nước để loại thải các độc tố. Khi thấy trẻ mệt mỏi, người nổi mề đay, tay chân lạnh, vàng da, vàng mắt, khó thở, đồng thời trẻ tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu mầu đỏ hoặc đen là phải đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, đối với tai nạn do ong đốt, điều quan trọng là việc di chuyển cần nhẹ nhàng để hạn chế nọc độc lan truyền ra nơi khác.
0 nhận xét